THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỈNH VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024
Ngày 19 tháng 3 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tỉnh). Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế xã hội dài hạn giúp tỉnh Lạng Sơn nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn.
Để công bố đầy đủ nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh đến các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân được biết, hiểu và thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Đồng thời thông tin, giới thiệu về định hướng, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và các danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, qua đó thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng chiến lược trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương, các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024 với các thông tin cụ thể như sau:
I. NỘI DUNG CHÍNH CỦA HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỈNH VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024
1. Tên hội nghị: HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỈNH VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024
2. Đơn vị tổ chức: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
3. Thời gian tổ chức: Ngày 21 tháng 4 năm 2024.
4. Địa điểm tổ chức: Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lạng Sơn (đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn).
5. Thành phần dự hội nghị:
Dự kiến khoảng 450 đại biểu, gồm: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các Ban Trung ương của đảng; các Bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu I; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo 05 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang; đại diện một số doanh nghiệp và tổ chức có liên quan; các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và của tỉnh.
6. Nội dung, chương trình
6.1. Buổi sáng: Dự kiến tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và Lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
6.2. Buổi chiều: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024.
Tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình chiếu video quá trình lập Quy hoạch tỉnh, giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn.
Tại hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến sẽ trao Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư 18.602 tỷ đồng; trao 9 Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các Nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 21.500 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị có các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư; danh mục ưu tiên đầu tư; thông tin về hình ảnh, con người, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 236/QĐ-TTg NGÀY 19/3/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH LẠNG SƠN THỜI KỲ 2021 – 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch
- Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện.
- Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°27' đến 22°19' vĩ Bắc và từ 106°06' đến 107°21' kinh Đông; phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.
2. Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
2.1 Quan điểm phát triển
- Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nâng cao hiệu quả cải cách thể chế, tăng cường hội nhập quốc tế, liên kết vùng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt kịp trình độ chuyển đổi số của cả nước và tận dụng thành công các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Phát triển dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế vị trí cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc.
- Xác định giá trị văn hóa, con người là yếu tố nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị.
- Xác định bảo vệ môi trường, sinh thái là điều kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
2.2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
- Xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm,
- Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 05 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
2.3. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
a) Các nhiệm vụ trọng tâm (08 nhiệm vụ)
- Đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo và điều hành.
- Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài.
- Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng.
- Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn.
- Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
b) Các đột phá phát triển
Xác định 04 khâu đột phá phát triển, gồm: (i) Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; (iii) Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iv) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
2. 4. Tầm nhìn đến năm 2050
Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Có quan hệ hợp tác tích cực với các địa phương của Trung Quốc và các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất XANH hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam và là cầu nối góp phần đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với khu vực và thế giới. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, logistics và vận tải chiếm tỷ trọng lớn. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc.
3. Phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
3.1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
- Phương hướng phát triển ngành công nghiệp.
- Phương hướng phát triển ngành dịch vụ.
- Phương hướng phát triển kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
- Phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
3.2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác
Bao gồm các ngành, lĩnh vực: Dân số, lao động, việc làm; An sinh xã hội; Y tế; Giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; Văn hóa, thể thao; Khoa học và công nghệ; Thông tin và truyền thông; Quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
3.3. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn được định hướng phát triển theo mô hình: 01 trục phát triển, 02 hành lang kinh tế và 03 vùng kinh tế - xã hội.
- 01 trục phát triển: Trục phát triển kinh tế Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam chạy dọc theo tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị qua thành phố Lạng Sơn mở rộng, các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội.
- 02 hành lang kinh tế: Tuyến hành lang kinh tế Cao Lộc (thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng) - Văn Lãng - Tràng Định (dọc theo tuyến quốc lộ 4A, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối với tỉnh Cao Bằng); Tuyến hành lang kinh tế thành phố Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập (dọc theo quốc lộ 4B, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, kết nối vùng kinh tế phía Đông tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh).
- 03 vùng kinh tế - xã hội: Vùng kinh tế động lực gồm thành phố Lạng Sơn mở rộng, huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng; Vùng kinh tế phía Đông gồm các huyện Lộc Bình, Đình Lập; Vùng kinh tế phía Tây gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định.
4. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
- Giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút vốn đầu tư.
- Giải pháp về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực.
- Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ.
- Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển.
- Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn.
- Giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh.
- Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trân trọng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn trong công tác truyền thông rộng rãi về những nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá, thu hút đầu tư, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng Quy hoạch tỉnh đã đề ra, đưa Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Toàn văn nội dung Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đăng tải công khai trên Công thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn và cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn tại địa chỉ:
(1) https://langson.gov.vn/quy-hoach-tinh-lang-son-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050
Hoặc quét mã QR code:
Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trân trọng thông báo./